Từ năm 2008 trở lại đây, dân cư tại xã Đồng Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) đang phải gánh chịu tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng bởi một hộ gia đình đã nấu dầu thải giữa khu dân cư trong xã. Mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần vào cuộc nhưng tình trạng trên vẫn không chấm dứt.
Theo nguồn tin được cung cấp từ rất nhiều hộ dân xóm 7, thôn Phượng Lĩnh (xã Đồng Lộc), gia đình ông Nguyễn Văn Tùng đã hành nghề nấu dầu thải khoảng từ năm 2008. Việc nấu dầu thải này được ông Tùng làm tại nhà ngay trong khu dân cư.
Để có nguồn nguyên liệu tái chế, cơ sở đã thu gom dầu thải từ nhiều nguồn khác nhau và pha trộn hóa chất để nấu thành dầu hỏa đưa ra thị trường tiêu thụ. Do không có hệ thống xử lý về môi trường, lại nằm trong khu dân cư nên lò nấu dầu đã tạo ra những cột khói đen gây ô nhiễm không khí và nguồn nước.
Những gia đình ở kế bên thì quanh năm phải đóng cửa kít mít, đêm nằm ngủ phải bịt khẩu trang. Nhiều người dân ở cách đó hàng cây số vẫn mất ăn mất ngủ vì thứ mùi nồng nặc, khó chịu mỗi khi cơ sở sản xuất dầu của ông này hoạt động.
Đi sâu vào phía trong căn nhà quanh năm đóng cửa kín mít này là lò nấu dầu thải của gia đình ông Tùng
Điều mà hàng trăm hộ dân ở đây lo lắng và hoang mang hơn hết đó là hiện tượng số người dân sống gần lò nấu dầu thải của gia đình ông Tùng bị ung thư những năm gần đây tăng bất thường. Theo phản ánh của người dân thì riêng từ đầu năm đến nay đã có 6-7 chết vì căn bệnh ung thư.
Một người dân sống gần gia đình ông Tùng cho hay: “Nhiều hôm, do hít phải khí bay ra từ lò tái chế có người đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nhiều hộ phải di dời đi nơi khác ở để tránh tình trạng ô nhiễm. Đặc biệt, những năm đầu khi cơ sở đi vào hoạt động, một số người dân vì không chịu nổi việc ô nhiễm đã có ý kiến với cơ quan chức năng thì bị chủ cơ sở sản xuất đe dọa, hành hung, vác dao đuổi”.
“Bao nhiêu năm qua, chúng tôi kêu mãi rồi, đơn từ đi khắp nơi, cơ quan chức năng cũng có vào cuộc nhưng sau đó thì đâu lại vào đấy. Kêu mãi bây giờ dân bất lực rồi, không biết kêu đến ai nữa. Trước thì gia đình họ còn làm chui, làm trộm vào ban đêm còn bây giờ thì làm ngang nhiên bất kỳ lúc nào” – một người dân thôn 7 bức xúc.
Điều đáng nói là vào cuối năm 2013, sau khi nhận được đơn kiến nghị của nhân dân, Sở TN-MT tỉnh Thanh Hóa cũng đã vào kiểm tra, khẳng định có việc nấu dầu thải của gia đình ông Tùng gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong công văn lại cho rằng những người đứng đơn kiến nghị không phải là những hộ dân thôn 7 khiến cho những người dân làm đơn tố cáo vô cùng bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Lộc xác nhận những năm trước việc nấu dầu thải của hộ gia đình ông Tùng gây ô nhiễm nghiêm trọng. “Ông Tùng đã nhiều lần bị mời lên xã yêu cầu chấm dứt việc nấu dầu thải nhưng ông này không nghe; vì thế vào năm 2013, lực lượng công an huyện phối hợp với công an xã đã đến bắt quả tang phá dỡ lò, thu hồi tang vật. Vợ chồng ông Tùng không hợp tác và dùng dao chống trả lại lực lượng chức năng, vợ ông Tùng đã dùng vỏ chai hành hung khiến một công an viên bị thương nên sau đó bị khởi tố vụ án hình sự, bắt đi cải tạo 2 năm. Tuy nhiên, sau đó phát hiện cô này bị bệnh nên công an cho về sớm” – ông Thái cho hay.
Ông Nguyễn Văn Thái cho rằng từ năm 2013 đến nay năm nào cũng có Công an môi trường kiểm tra nhưng không phát hiện hộ ông Tùng nấu dầu thải lại
Cũng theo ông Thái thì từ đó đến nay, năm nào công an môi trường cũng vào kiểm tra nhưng không phát hiện có dấu hiệu nấu lại, cũng không nghe dân nói gì.
“Cái khó trong việc xử lý hộ gia đình ông Tùng là cả hai vợ chồng đều bị bệnh nan y, hoàn cảnh khó khăn, không có công ăn việc làm nên sinh ra liều lĩnh” – ông Thái cho biết thêm.
Về phản ánh gần đây có nhiều người dân sống quanh đó bị ung thư bất thường, ông Thái phủ nhận, cho rằng người dân nói thế là không đúng.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Ấp, Bí thư huyện Hậu Lộc cũng khẳng định địa phương cũng đã rất quyết liệt với gia đình ông Tùng. Nếu bà con phản ánh vẫn còn hoạt động huyện sẽ cho kiểm tra sự việc.
“Để dứt điểm được tình trạng trên cần phải có sự hợp tác của cả nhân dân. Song song với việc cấm gia đình ông Tùng hoạt động, bắt tang vật, địa phương còn phải tạo công ăn việc làm cho họ để họ có nghề nghiệp mưu sinh. Tuy nhiên, việc này có lẽ xã Đồng Lộc chưa làm được ” – ông Ấp cho hay.