Việc các sông hồ đều kè đá thoải như ở hồ Giảng Võ thế này làm giảm đáng kể không gian chứa nước và thoát nước của sông hồ. Ảnh: Kiều Oanh
Ý kiến ban đầu của các chuyên gia là phương án chống úng ngập trong đồ án quy hoạch trình Quốc hội tháng 5-2010 có vẻ chưa thoát khỏi tư duy cũ. Có ý kiến đề nghị đánh giá lại hiệu quả thực tế của dự án thoát nước Hà Nội để kịp rút ra bài học cho đồ án quy hoạch. |
Thưa ông, Quy hoạch chung do Bộ Xây dựng chủ trì, thế mà nhiều chuyên gia xây dựng hiện là thành viên của Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam lại không đồng tình trên nhiều nội dung, trong đó có nội dung về thoát nước?
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng: Chỉ cần so sánh những gì đã và đang diễn ra với những gì thể hiện trên đồ án quy hoạch chung, bất cứ ai am hiểu và quan tâm đến thoát nước đô thị cũng có thể cảm nhận được.
Mười lăm năm qua, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định (số 430/QĐ-TTg ngày 07/8/1995) phê duyệt Quy hoạch Tổng thể Thoát nước Hà Nội, tình hình thoát nước của Hà Nội biến chuyển không bao lăm. So với bao công sức, tiền của bỏ ra, cảm giác chung là buồn.
Vì sao lại buồn?
Không phải chúng ta lười nhưng kết quả đạt được lại khác xa mong đợi. Nhà nước lao tâm khổ tứ rất nhiều. Nếu chỉ tính từ quyết định lịch sử nêu trên của Thủ tướng Chính phủ cho đến văn bản của Bộ Xây dựng (số 1490/BXD-HĐXD) cách đây gần một năm (ngày 23-7-2009) gửi Ban Quản lý Dự án Thoát nước Hà Nội cho ý kiến về việc thiết kế điều chỉnh, bổ sung gói thầu số 3, số 4 của dự án thoát nước cải thiện môi trường Hà Nội giai đoạn II, thì thấy có đến hai chục văn bản từ cấp thành phố trở lên được ban hành, trong đó có tới ba văn bản của Thủ tướng Chính phủ.
Kéo theo rừng văn bản là dự án thoát nước khổng lồ mà cả nước đều biết do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Nói tài trợ cho oai thôi chứ thực chất phần lớn là cho vay, tỷ phần cho không rất nhỏ. Các khoản vay đó, con cháu chúng ta phải trả.
Nợ, lãi phải trả, nước thải lại không thoát được, kèm theo đó là chất lượng cuộc sống, tình trạng sức khoẻ đi xuống. Hậu thế, chứ không phải nhà tài trợ hay nói đúng ra là nhà cho vay, sẽ oán thán chúng ta.
Ông có hài lòng kết quả dự án không?
Dự án do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ nên dân gian quen gọi là Dự án JICA. Mục tiêu của Dự án JICA là giúp Hà Nội giải quyết vấn đề bức bách về úng ngập. Rất tiếc dự án chưa giải quyết được vấn đề. Úng ngập vẫn trầm trọng, sông hồ ngày càng bị ô nhiễm hơn.
Chúng tôi đánh giá Dự án JICA chỉ thành công một nửa, nhất là hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành đúng hạn Trạm bơm Yên Sở công suất 90 m3/s. Một nửa còn lại là thất bại.
Xem nhẹ phản biện
Vì sao thế, thưa ông? Hầu như mọi thứ ta cần đều có, quyết tâm của Chính phủ và chính quyền thủ đô, tiền vay hầu như không thiếu. Nhân dân cũng hầu như đồng lòng dù có lúc có nơi khốn khổ giải phóng mặt bằng, tranh cãi chuyện đền bù giải tỏa.
Những cái cần thì ta đều có song những cái có lại chưa đủ. Một trong những cái chưa đủ nhất có lẽ là tiếng nói của công luận, là vai trò của phản biện xã hội, là tập hợp trí tuệ tập thể, trí tuệ cả nước để cùng nhau giải các bài toán có tầm nhìn non sông.
Ông có thể cho ví dụ cụ thể được không?
Không ít ví dụ cụ thể. Ở đây tôi chỉ nêu ví dụ mà tôi trực tiếp tham gia cùng đồng nghiệp. Từ năm 1995 đến năm 1998, tôi chủ trì một đề tài khoa học cấp nhà nước, ký hiệu KHCN 07.11 và mang tên “Nghiên cứu dự báo diễn biến môi trường Hà Nội và đề xuất các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường”, trong đó, có phần quan trọng là nghiên cứu về môi trường nước.
Sản phẩm của đề tài được Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ & Môi trường khi ấy – cố GS Lê Quý An – chính thức bàn giao cho Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội. Sau đó, tập thể tác giả đề tài vinh dự nhận được bằng khen của UBND TP Hà Nội.
Chúng tôi vẫn giữ gìn tấm bằng khen, xem đó như sự ghi nhận của chính quyền đối với công lao của các nhà khoa học. Thế nhưng, không hiểu sao các đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường của đề tài không thấy mang ra bàn. Đến giờ, chúng tôi vẫn nghĩ có lẽ các đề xuất ấy bị xếp vào tủ kính. Đề tài cấp nhà nước còn thế, hàng loạt đề tài cấp thấp hơn thì sao.
Chỉ có thể một trong hai bên sai trong chuyện này. Hoặc chúng tôi sai, tức là phê duyệt đề tài cấp nhà nước của Bộ KHCN&MT sai. Hoặc lãnh đạo TP Hà Nội sai, đề xuất có lý của các nhà khoa học bị để quên do bận quá nhiều việc hoặc họ không quên nhưng không chấp nhận. Ai sai, lẽ ra cần phải làm rõ, quy trách nhiệm, để tránh tốn phí tiền bạc, mà thực chất là tiền đóng thuế của dân.
Sao các ông không kiến nghị làm rõ những vấn đề đó?
Chúng tôi có kiến nghị nhưng không phải về vấn đề đó. Đấy chỉ là trao đổi giữa các nhà khoa học với nhau thôi. Còn phải trả lời vì sao thì khó quá. Tế nhị lắm. Chúng tôi kiến nghị vấn đề cụ thể hơn cơ.
Trước tình hình thực hiện Dự án JICA không đạt được mong muốn, khoảng tháng 5-2006, nhóm nhà khoa học gồm GS Trần Hiếu Nhuệ, PGS Trần Đức Hạ, PGS Nguyễn Việt Anh, và tôi, đại diện cho Trung tâm Kỹ thuật Môi trường Đô thị&Khu Công nghiệp (CEETIA) gửi công văn kiến nghị cho các đồng chí lãnh đạo Hà Nội lúc bấy giờ (Nguyễn Phú Trọng, Phùng Hữu Phú, Nguyễn Quốc Triệu, Ngô Thị Thanh Hằng, Đỗ Hoàng Ân, và các đồng chí giám đốc các Sở KH&CN, KH&ĐT, TNMT&NĐ, GTVT và Sở KT&QH Hà Nội).
Chúng tôi kiến nghị cần tiến hành “Nghiên cứu tối ưu hoá Dự án JICA về xử lý ô nhiễm môi trường nước và chống úng ngập Hà Nội”. Kèm theo công văn, chúng tôi còn gửi bản trình bày phác thảo ý tưởng chính về giải quyết vấn đề liên quan.
Như mọi người đều biết, ý tưởng chính của Dự án JICA là chia thành phố Hà Nội (cũ) thành tám khu vực, mỗi khu vực xây dựng một trạm xử lý nước thải lớn.
Cái bờ thoai thoải để làm chi
Thực tế, mới xây dựng được một trạm xử lý nước thải ở khu Hồ Trúc Bạch, công suất 2.300 m3/ngày đêm, với kinh phí vô cùng đắt. Còn lại, các khu vực khác rất khó tìm đất để xây dựng các trạm xử lý nước thải này.
Về thoát nước, Dự án JICA sẽ dọn sạch thông thoáng các sông hồ và kè đá các hồ và bốn sông thoát nước. Tất cả các sông hồ đều kè đá thoải 45o, chiếm hầu hết không gian chứa nước và thoát nước của sông hồ. Thậm chí, khi đang kè hồ Thiền Quang, mọi người đi qua nhìn lòng hồ thấy chẳng khác nào như chiếc bát để ngửa. May mà hồ này còn thoát được cảnh phải chứa cái đài phun nước to đùng nhờ tác động của loạt bài đăng trên báo Tiền Phong.
Dự án tiến hành xây dựng trạm bơm Yên Sở công suất 90m3/s. Như tôi nói trên, có lẽ chỉ phần việc xây dựng trạm bơm thoát nước này là đúng và thành công nhất
Ý tưởng chính phương án của chúng tôi đề xuất đại thể như sau. Trước hết, chúng tôi không bố trí các trạm xử lý nước thải như phương án của JICA. Chúng tôi chủ trương tách nước thải, không cho chảy trực tiếp vào sông hồ và dẫn ra ngoại thị để xử lý. Sẽ xây dựng các trạm xử lý nước thải lớn ở ngoại thị, nơi không khó khăn lắm về bố trí đất và xa khu dân cư, không ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Đồng thời, kết hợp với xây dựng các trạm xử lý nước nhỏ, phân tán ở nội thành trong điều kiện có thể. Và tất cả các khu đô thị mới đều phải đầu tư trạm xử lý nước thải cho riêng mình, để giảm thiểu ô nhiễm nước một cách lâu dài, phục hồi cảnh quan thiên nhiên đẹp, hiếm có trên thế giới về sông hồ của Hà Nội.
Để chống úng ngập, phương án của chúng tôi là tăng sức chứa nước tạm thời khi mưa to của sông hồ Hà Nội tối thiểu lên hai lần và tăng dòng chảy (lưu lượng thoát nước) từ nội thành ra Trạm bơm Yên Sở tối thiểu lên hai lần.
Chẳng phải đợi đến bây giờ, Đề tài cấp Nhà nước KHCN 07.11 cách đây 15 năm mà tôi đề cập ở trên đã phân tích nguyên nhân cơ bản của úng ngập Hà Nội là nạn lấp ao hồ quá nhiều, làm giảm khả năng tích nước của Hà nội, nạn bê tông hoá tràn lan, xóa sổ nhiều thảm cây xanh, vườn rau, làm giảm khả năng thấm tiêu nước mưa của mặt đất Hà Nội.
Phân tích ảnh viễn thám – ảnh SPOT chụp tháng 6-1986 và ảnh Land SATTM chụp tháng 10-1996, trong phạm vi bốn quận nội thành cũ của Hà nội, thì thấy, chỉ sau 10 năm, tổng diện tích mặt nước ao hồ giảm 64,5%, tổng diện tích xanh giảm 12%. Các hệ thống cống rãnh của Hà Nội do nạo vét, bảo dưỡng không thường xuyên nên đều bị bùn cát lắng đọng, làm giảm 50% tiết diện đường cống.
Vì lẽ đó, phương án kỹ thuật của chúng tôi đề xuất là phá bỏ tất cả các bờ kè đá hiện nay ở các sông hồ Hà Nội, vét bùn và đào sâu thêm tối thiểu một mét đối với tất cả các sông hồ Hà Nội, xây lại bờ kè theo phương án gần thẳng đứng, giống như bờ kè sông Seine ở Paris, sông Moskva (miền trung Nga), sông Prague (Cộng hoà Czech), v.v.
Làm như thế, theo tính toán, có thể tăng khả năng trữ nước tạm thời cũng như tăng dòng chảy gấp hai lần trở lên so với hiện nay. Vòng quanh các hồ và dọc hai bên bờ bốn sông thoát nước, chúng tôi đề xuất xây dựng cống thoát nước to.
Khi trời không mưa, các cống này sẽ thu tách nước thải tất cả các cống nước thải, không cho đổ thẳng vào sông hồ, thay vào đó, dẫn ra ngoại thị để xử lý. Khi trời mưa to, các cống này có tác dụng bổ sung sức chứa nước và bổ sung dòng chảy thoát nước cho Hà Nội. Hệ thống ấy sẽ đưa đến hiệu quả tổng hợp là Hà Nội sẽ không bị úng ngập và sông hồ Hà Nội sẽ giảm dần tình trạng bị ô nhiễm.
Rất tiếc rằng thư kiến nghị của chúng tôi gửi cho các đồng chí lãnh đạo Hà Nội đã rơi vào im lặng.
Xem ra, muốn Thủ đô Hà Nội xanh, trước hết, nội thành Hà Nội phải xanh đã. Mà Hà Nội bây giờ liệu đã xanh chưa và bao giờ mới xanh như vẽ trong đồ án quy hoạch?
Thủ đô Hà Nội mở rộng tới 3.347 km2, gấp 3,6 lần thành phố Hà Nội năm 2008. Bất cứ khách quốc tế hay người Việt Nam nào nếu chưa đặt chân đến Hồ Gươm, Ba Đình, và 36 phố phường cổ, họ tự coi là chưa đến Thủ đô Hà Nội. Vì vậy muốn Thủ đô Hà Nội được thừa nhận là thủ đô xanh thì đúng là trước tiên phải quy hoạch cải tạo TP Hà Nội trở thành một thành phố xanh.
Tiêu chí thành phố xanh ở đây có cả nghĩa đen là cây xanh, tối thiểu phải đạt diện tích cây xanh trên đầu người là 10m2/người (Hà Nội hiện nay chưa đạt 2m2/người).
Chữ xanh ấy còn có nghĩa bóng là môi trường xanh (nước sạch, không khí sạch và đất sạch). Để đạt được thành phố xanh, vấn đề bức bách hiện nay là giải quyết được tình trạng úng ngập trong mùa mưa và ô nhiễm nước sông hồ ở TP Hà Nội.
Với những gì thể hiện trên đồ án quy hoạch chung, phiên bản mới nhất, ngày 4-3-2010, mà Bộ Xây dựng chuyển cho Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam để phản biện, thì còn mù mờ lắm.
Với những gì mà tận mắt chúng tôi chứng kiến, khó có thể hy vọng điều gì sáng sủa một khi những người làm đồ án không vượt qua được vũng lầy tư du cũ mà đã được kiểm chứng trong thực tiễn.