Quá trình đô thị hóa của Việt Nam đang diễn ra hết sức mạnh mẽ. Tính đến 31/12/2010, trên cả nước đã có thêm 633 dự án phát triển các khu đô thị mới so với năm trước, nếu không có những giải pháp hữu hiệu để đối phó trong công tác quản lý tài nguyên nước, cấp nước… thì quá trình đô thị hóa sẽ không thể phát triển bền vững.
Ông Lê Hữu Thuần, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước đã cho hay: “Lượng nước mặt tính bình quân đầu người sẽ giảm từ mức 3.840m3/người/năm hiện nay xuống 2.830m3/người/năm vào năm 2015. Trong tương lai gần Việt Nam sẽ trở thành quốc gia khan hiếm nước sạch, đặc biệt ở các đô thị.”
Bởi vậy, mục tiêu của Ngày Nước thế giới năm nay nhằm tập trung sự chú ý của quốc tế vào các thách thức và sức ép ngày càng gia tăng tới nguồn nước từ quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp, những bất ổn do biến đổi khí hậu, thiên tai và các mâu thuẫn, thậm chí tranh chấp giữa các đối tượng sử dụng nước ở đô thị.
Từ đầu tháng Ba, một chuỗi các hoạt động tuyên truyền, cổ động gồm phim tài liệu, phát thanh, triển lãm về tài nguyên nước, phát hành tờ rơi, băng rôn, biểu ngữ và các hoạt động khác để đông đảo người dân hưởng ứng sự kiện quan trọng này.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Thái Lai cho biết: “Việt Nam hiện chưa có đủ năng lực ứng phó với tất cả các thách thức phức tạp của đô thị hóa và biến đổi khí hậu. Những hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm Ngày Nước thế giới sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân. Từ đó có những hành động đúng đắn trong việc bảo vệ, khai thác và sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước sẽ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bộ trong thời gian tới.”
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam không phải là quốc gia dồi dào về tài nguyên nước, hơn 60% nguồn dòng chảy các con sông Việt Nam đều xuất phát từ các quốc gia khác. Với ảnh hưởng của khí hậu đang nóng dần lên, lượng nước nói trên sẽ bị cạn kiện trong một ngày không xa./.