Trong số 1.047 bệnh viện và hơn 10.000 trạm y tế trên toàn quốc thì có tới 2/3 không hề áp dụng phương pháp tiêu huỷ chất thải rắn đảm bảo hợp vệ sinh và đều “tống” thẳng nguồn nước thải độc hại vào nước thải sinh hoạt chung trong cộng đồng.
Đốt rác thải tạo thêm khí độc
Theo báo cáo từ Bộ Y tế, mỗi năm các bệnh viện, và các đơn vị y tế khác thải ra một lượng chất thải cực lớn, trong đó có hơn 400 tấn chất thải rắn và 1/10 trong số đó thuộc loại nguy hiểm.
Tuy nhiên, chỉ có 1/3 số chất thải rắn được đốt bằng lò đốt hiện đại và có thể đảm bảo an toàn môi trường. Số còn lại được tiêu huỷ bằng nhiều hình thức như thiêu ngoài thiêu ngoài trời (15,3%), đốt bằng lò thủ công(13,9%), chôn trong khuôn viên bệnh viện (33,3%) hoặc thải trực tiếp ra bãi rác chung 27,2%). Điều đáng lo ngại là những cách thức tiêu huỷ trên đều không đảm bảo vệ sinh an toàn đối với môi trường xung quanh nơi có đông dân cư sinh sống.
Ông Nguyễn Khắc Hải, Viện trưởng Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, vấn đề cho biết: Hầu hết các cách xử lý chất thải rắn y tế đều chưa hoàn toàn hiệu quả. Với những cơ sở vận chuyển rác ra ngoài bệnh viện đến nơi khác để đốt, nếu không có phương tiện vận chuyển chuyên dụng thì nguy cơ lây lan mầm bệnh qua không khí trong quá trình vận chuyển là rất cao.
Cách chôn lấp (áp dụng ở những đơn vị không có lò đốt và lượng rác thải không lớn) cũng có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, dẫn đến dịch bệnh. Hơn nữa, diện tích đất dùng cho việc này cũng sẽ hết dần vì hàng ngày phải xử lý, chôn lấp lượng rác thải tích tụ. Chưa kể đến việc quy trình chôn lấp không được tuân thủ theo đúng quy định nên gây ô nhiễm không khí và nguồn nước ngầm.
Quy trình đốt rác bằng lò là phương án tối ưu nhất hiện nay cũng vấp phải một số khó khăn, đó là số lò đốt rác thải bệnh viện ở Việt Nam hiện nay phần lớn không có hệ thống xử lý khí thải. Thế nên việc xử lý chất độc này lại làm phát sinh các chất độc khác, làm ô nhiễm môi trường.
Bộ Y tế đang xây dựng chương trình quản lý xử lý chất thải bệnh viện. Sau 4 năm nữa, tất cả các bệnh viện ở Việt Nam sẽ có hệ thống xử lý chất thải rắn và lỏng với công nghệ phù hợp.
Dự thảo Chương trình quản lý vế xử lý chất thải bệnh viện, đã đưa ra kiến ngại đưa mục xử lý chất thải vào ngân sách dành cho bệnh viện. Bên cạnh đó, sẽ xem xét khả năng thu phí môi trường trong viện phí. |
Phía Bộ Y tế thông báo, đã có 61 lò đốt với các chức năng xử lý chất thải y tế được lắp đặt ở hầu hết các bệnh viện trung ương và các tỉnh. Nếu vận hành hết công suất các lò đốt này sẽ xử lý đến 29 tấn/ ngày, gần bằng với tổng lượng chất thải y tế lây nhiễm thải ra.
Số liệu trên báo cáo là như vậy, nhưng trên thực tế, hầu hết các lò đốt hiện đều trong tình trạng vận hành kém do khả năng cháy kém, mức sản phẩm phụ cao trong khí đốt và dư lượng chất rắn trong tro, xỉ và lãng phí đáng kể về năng lượng gây thiệt hại về kinh tế cho các bệnh viện vận hành.
Chính vì những lý do trên mà Trung tâm Y tế huyện Đông Anh cùng nhiều bệnh viện tuyến tỉnh khác đã phải lựa chọn phương án xử lý chất thải rất sơ sài. Bác sĩ Hoàng Đức Tế, Phó phòng nghiệp vụ kế hoạch cho hay, với chất thải rắn, loại rác sinh hoạt được công ty thu gom hằng ngày, nhưng loại rác nguy hại thì mỗi tuần mới được thu gom một lần. Lý do là mỗi ngày chỉ có 15 – 20kg rác loại này, không đủ cho một chuyến ôtô. Các loại rác thải là mô, bộ phận cơ thể thì được chôn lấp…
Nước thải “đổ” bệnh vào dân cư
Theo kết quả khảo sát của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, hiện nay, nước thải bệnh viện bị ô nhiễm nặng gấp nhiều lần tiêu chuẩn thải. Tỷ lệ mẫu phân lập được mẫu vi khuẩn gây bệnh trong nước thải bệnh viện rất cao: Tụ cầu vàng (82,54%), trực khuẩn mủ xanh (14, 62%), E.coli (51,6%), Enterobacter (19,36%), Kpneumoniae (12,9%)…là những vi khuẩn không được phép thải ra môi trường.
Nước thải nhiễm khuẩn có nguy cơ truyền bệnh cao là vậy nhưng chỉ có 1/3 số bệnh viện trên toàn quốc có hệ thống xử lý nước thải.
Ông Lê Hữu Quý Bệnh, phó giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, bức xúc: Trước đây, đơn vị này cũng có có hai bể chứa để lắng lọc, nhưng do không đủ kinh phí hoạt động thường xuyên nên bể hay bị tắc. Mỗi lần như vậy dù không muốn, họ cũng đành đổ thẳng nước thải chung với nước thải sinh hoạt hàng ngày.
Ông Quý cũng cho biết, bệnh viện có đơn vị phụ trách xử lý rác thải chỉ mới cách đây 3 tháng, đó là khoa Chống nhiễm khuẩn. Trước đây, bệnh viện không hề có biên chế cho vấn đề rác, cũng chẳng ai có chuyên môn về lĩnh vực này. Công việc lúc được giao cho phòng vật tư, khi thì chuyển sang phòng hành chính…. Tuy nhiên, tình trạng quá tải về kinh phí đã khiến bệnh viện thêm căng thẳng thêm. Theo ông Quý, để đảm bảo xử lý rác an toàn, bệnh viện cần được chi thêm 150-200 triệu đồng mỗi năm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Hải cho rằng, ngoài những ràng buộc về điều kiện nhân lực và kinh phí bị cắt xén. Từ trước tới nay, các cơ sở y tế vẫn cho rằng, công tác xử lý nước thải không phải là nhiệm vụ chính của họ. Các công trình xử lý nước thải được bàn giao cho các cơ sở y tế thường không được vận hành như mong muốn nên thường bị trục trặc. Hầu như không bệnh viện nào có đơn vị vận hành chuyên biệt trạm xử lý nước thải, nên khi có sự cố xảy ra thường không có người khắc phục cũng như theo dõi quá trình để đảm bảo xử lý đạt tiêu chuẩn.
Có thể thấy rõ, chất thải bệnh viện đã ảnh hưởng đến mức báo động tới môi trường đất, nước, không khí và sức khoẻ của nhân viên y tế và cộng đồng. Nếu không được giải quyết sớm, chất thải bệnh viện sẽ chính là nguồn gây bệnh lớn, đe doạ sự an toàn của cả cộng đồng dân cư.